Siết chặt quản lý “cò” bất động sản

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có những quy định siết chặt hoạt động “cò” bất động sản gây nhiễu loạn thị trường thời gian qua.

Nhưng để thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh yêu cầu đầu tiên là sự chuyên nghiệp hoạt động môi giới BĐS.

Chia sẻ với DĐDN, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết chủ trương siết chặt hoạt động của các sàn giao dịch và đặc biệt là lực lượng môi giới BĐS không chuyên còn gọi là “cò” là một yêu cầu bắt buộc và cấp thiết.

Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực Hội môi giới BĐS Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch thường trực Hội môi giới BĐS Việt Nam

– Những khuyết tật của thị trường BĐS thời gian qua có nguyên nhân rất lớn từ sự thiếu chuyên nghiệp của lực lượng môi giới BĐS, thưa ông?

Mặc dù, Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS mà Bộ Xây dựng đang xây dựng đã tiếp nhận hầu hết các ý kiến tham góp của Hội môi giới BĐS. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, những “cơn sốt đất” hay bong bóng BĐS đều có sự đóng góp không nhỏ từ giới “cò mồi” BĐS tự phát.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại không ít những sàn, trung tâm giao dịch được lập một cách tự phát, không chấp hành quy định của pháp luật. Dù môi giới BĐS là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng một số đơn vị lại chấp nhận hoạt động ngoài luồng, theo thời vụ và ăn theo các cơn sốt đất tại các địa phương. Bên cạnh đó, lực lượng môi giới tự phát, tay ngang, không có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo cơ bản về kiến thức chuyên môn cũng là một trong những tác nhân làm méo mó thị trường.

Hệ lụy của tình trạng quản lí không chặt chẽ hoạt động môi giới BĐS là một bộ phận không nhỏ môi giới BĐS hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật, nặng tính “chụp giật”, kiếm lời. Bên cạnh đó, cũng do một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội “lách luật” trốn thuế.

 Dịch vụ môi giới bất động sản còn thiếu kiểm soát là tác nhân tạo ra những “bong bóng” bất động sản.

Dịch vụ môi giới bất động sản còn thiếu kiểm soát là tác nhân tạo ra những “bong bóng” bất động sản.

– Như ông nói, phải chăng quy định của pháp luật hiện tại chưa điều tiết lĩnh vực này?

Luật kinh doanh bBĐS hiện hành cũng như một số văn bản dưới luật cũng đã có những quy định tương đối chi tiết để điều tiết lĩnh vực này. Tuy nhiên, vấn đề theo tôi là ở khâu thừa hành chính sách và việc quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm nếu có của các đơn vị chức năng cũng như các địa phương chưa triệt để.

Có thể lấy ví dụ như Luật hiện đã quy định các sàn giao dịch BĐS khi hoạt động phải đăng ký và thông báo định kỳ về Sở Xây dựng các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội việc này vẫn chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, việc nhân viên môi giới phải được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc tham gia vào một sàn theo quy định vẫn chưa được thực hiện, trên thực tế. Như vậy, vấn đề ở đây là chế tài xử lý vi phạm chưa được thực hiện nghiêm.

– Việc siết chặt như dự thảo Luật có thể “đẻ” ra giấy phép con, gây khó cho thị trường không, thưa ông?

Tôi cho rằng không hẳn như vậy, về bản chất các quy định như trong dự thảo chỉ làm rõ và chi tiết hơn các quy định hiện hành. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Do đó, người tham gia cũng cần đảm bảo đáp ứng được yêu cầu.

Chúng ta đang hướng đến xây dựng thị trường BĐS minh bạch, chuyên nghiệp, việc nâng tầm hoạt động môi giới BĐS thông qua hoàn thiện các quy định của pháp luật là rất cần thiết mà không nên ngại tạo thêm “giấy phép con”.

Tất nhiên, để lĩnh vực kinh doanh BĐS trở nên chuyên nghiệp, ngoài điều kiện cần là sửa Luật thì điều kiện đủ nằm ở khâu thực thi. Thị trường BĐS luôn chuyển biến rất nhanh, từ cập nhật pháp luật đến thực thi cũng cần điều chỉnh nhanh để đáp ứng thực tiễn

LÊ SÁNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0909 277 255
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon